MINH KHAI VÀ HÀNH TRÌNH CỦA NHỮNG TRÁI TIM

Lượt xem:

Đọc bài viết

Tác giả: Cô H’Kachia Kbuôr – Phó Hiệu trưởng

             Nói chuyện ngày mưa , lại nghĩ về con đường đến trường xa hun hút của các trò- mỗi Tết đến thăm nhà chỉ biết động viên ” Ráng học đừng nghỉ nghe em”. Nhớ mỗi mùa mưa – khí hậu mát mẻ bọn trẻ đến muộn lấm lem bùn đất chỉ biết động viên ” Mai ráng đi học sớm sớm nghen”, thầy trò nhìn nhau mà nhịn cười không nổi vì màn” tắm bùn” quá ư là ” đẹp”, chúng lại còn hồn nhiên khoe “hôm nay em vồ ếch 4 lần chứ mấy”

Vẫn phục bọn trẻ vì sự cố gắng tuyệt vời ấy, vẫn thấy nụ cười của chúng đáng giá hơn nhiều thứ…. Và thầy cô nơi đây bắt đầu hành trình của mình vì những nụ cười ấy.Mỗi năm, chúng tôi có những cuộc hành trình được vun vén thật nhiều, đó là mỗi người góp 1 ít  tiền mặt hoặc có thể là những bộ quần áo được giặt sạch sẽ .v..v..tùy theo tấm lòng để tổ chức “Bếp ăn tình thương” và ” Tết tình thân”

Tết tình thân là gì? Là nếu có thể, chúng tôi gói những chiếc bánh chưng nho nhỏ, chúng tôi mua ít bánh kẹo,  mứt Tết, ít gạo, ít dầu và cứ thế treo, chất trên xe để đi đến nhà những em khó khăn nhất, xa trường nhất.

Trên những con đường ấy, chúng tôi hình dung ra cảnh bọn trẻ còng lưng trên chiếc xe đạp trên những con đường đất mùa nắng ” mưa bụi” và mùa mưa nhão nhoét trơn trượt ấy như thế nào,… chạnh lòng khi nghĩ đến 1 mình em loay hoay giữa đồi núi hoang vắng, cô quạnh nếu nhỡ hỏng xe hay về muộn, để rồi ngày mai đến trường sẽ cố gắng giảng bài hay hơn, kĩ hơn 1 chút cho các em hiểu, các em làm được.

Trên những con đường ấy, chúng tôi gặp những học trò đi theo và hỏi ” thầy cô ơi,  vô nhà bạn nào ạ? Em dẫn đường cho, thầy cô không tìm được đường đâu ạ”, nụ cười ngây thơ, rạng ngời hạnh phúc  ấy sẽ cố gắng dành thêm 1 chút thời gian để nói chuyện, vui đùa với các  bạn sau những giờ học trên lớp.

Ngôi nhà của  nhiều em, còn khó khăn lắm, nhiều khi chỉ là căn nhà tạm bợ, nhà tranh vách đất, nền đất, cả nhà không có nổi 1 chiếc giường lành lặn để ngả lưng , chỉ có 1,2  chiếc chăn mỏng manh giữa trời giá rét, Đón chúng tôi là những ánh nhìn ngại ngùng, e sợ của đám trẻ con chân trần, lấm lem bùn đất, là lời gửi gắm có đôi chút ngong ngịu vì không rành tiếng Kinh nhờ thầy cô dạy bảo của những người cha người mẹ đôn hậu, chất phác và là nụ cười bối rối của học trò khi thầy cô ” hồn nhiên” ngồi giữa sàn nhà hỏi thăm từng thành viên trong gia đình.

Một vài người trong chúng tôi rơi nước mắt, thương cảnh nhà, thương đứa học trò nhỏ chăm lo mẹ đau ốm, thương đứa học trò chăm chỉ ngày ngày đến lớp vẫn nơm nớp lo lắng đàn em nhỏ không ai trông, không ai chăm sóc.

Một vài lần chúng tôi nghẹn ngào không nói lên lời khi cha mẹ các em gởi tặng những ống cơm lam nóng hổi trong cái lạnh những ngày giáp Tết -” Nhà không có gì nhưng có mới có gạo nếp nương đó, biết thầy cô đến nhà nên làm cho thầy cô mang về ăn”. Đấy là gì nhỉ? Là cái ấm áp của tình người.

Cuộc hành trình này cũng gần 10 năm rồi, mỗi năm chỉ đi được hơn chục nhà nhưng là những dấu ấn mà mỗi thầy cô, mỗi nhân viên ở đây luôn ghi nhớ vô cùng, ” Đi để hiểu cái khó của học trò”, ” Đi để thấy mình may mắn đến chừng nào, để biết san sẻ, biết yêu thương”. Bây giờ chúng tôi còn có học trò đi cùng, những em nhà gần, những em có điều kiện gia đình tốt hơn đi để coi như 1 lần trải nghiệm con đường đến trường của bạn mình để mà biết thông cảm, để mà biết nỗ lực, cố gắng.

– “Những ngày mưa gió, nếu các em đến trường muộn, chào đón các em sẽ là những lời động viên, chứ không dám trách phạt, vì thấy các em giỏi quá, nỗ lực quá, cố gắng quá”_

Đó là lời của 1 thầy giáo trẻ mới về trường, lời của thầy, cũng như là lời của bao nhiêu người khác, cảm nhận, suy nghĩ và hành động.Dạy các em đâu chỉ ra rả kiến thức sách giáo khoa là đủ, dạy các em cũng chính là tự mình dạy mình  “cho đi để nhận lại yêu thương”

Tôi biết nhiều nơi học trò và thầy cô vất vả, khó khăn hơn chúng tôi rất nhiều, tôi cũng biết các bạn ấy, những người đồng nghiệp ấy và học trò đã nỗ lực, đã cố gắng biết bao nhiêu, tôi chỉ viết về những gì mình trải qua , những gì mình cảm nhận để có thể đồng cảm hơn với những nơi xa xôi, vạn lần gian khó ấy. Suy cho cùng mục đích của chúng ta là ” trồng người”, dù ở đâu, dù là ai, đã là những người ” gieo chữ” thì phải gieo từ trong tâm, từ trái tim yêu thương và tận tâm với nghề.